Khi hoa cà phê nở trắng muốt trên những quả đồi, trời bắt đầu se se lạnh báo hiệu mùa xuân sắp về với cao nguyên Đắk Nông, đồng bào Mông tại mảnh đất vùng cao này lại xúng xính quần áo, rủ nhau đi chợ phiên Tết.
Chợ phiên người Mông bày bán đủ thứ, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm nhưng rộn ràng, đông vui nhất là phiên chợ nhưng ngày giáp Tết Nguyên đán.
Sáng chủ nhật cuối năm tại thôn Đắk Nang (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long), tiếng đồng bào Mông đã í ới gọi nhau đi chợ sớm. Dịp này các bà các mẹ thường mang những bộ váy áo đẹp nhất ra mặc, trong khi đàn ông chỉ ăn vận đơn giản với chiếc áo năm thân và chiếc quần ống rộng. Làng của đồng bào Mông ở xã Đắk Som, nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 40km, nhiều năm nay trở thành điểm thu hút khách du lịch với hình ảnh những rẫy cà phê bạt ngàn, những ngọn núi quanh năm phủ kín mây trời và đặc biệt là chợ phiên người Mông.
Từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào miền đất Tây Nguyên này định cư, canh tác gần hai chục năm nay, hàng tuần đồng bào Mông thôn Đắk Nang đều tổ chức chợ phiên vào ngày chủ nhật. Giáp Tết, chợ của đồng bào Mông nhộn nhịp, sôi động hơn bời hàng trăm gian hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán.
Tới chợ, bên cạnh việc mua bán các vật dụng sinh hoạt, công cụ sản xuất, đàn ông Mông tranh thủ thưởng thức món thắng cố truyền thống, nhâm nhi vài ly rượu ngô trong tiết trời se lạnh. Phụ nữ Mông trong lúc chờ chồng mình “chén chú chén anh” với vài người bạn, họ lại ghé vào những gian hàng quần áo, trang sức. Hình ảnh những cô gái trong bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, họa tiết hoa văn tinh xảo, bắt mắt khiến nhiều chàng trai Mông phải xao lòng.
Chị Vàng Thị Sảu (ngụ thôn Đắk Nang) cho biết: Phụ nữ Mông thường tự dệt may trang phục mặc hàng ngày và trang phục truyền thống như: váy, áo, yếm lưng, thắt lưng, khăn quấn, mũ đội đầu, xà cạp quấn chân... Ngày nay, trang phục sinh hoạt hàng ngày chủ yếu được may bằng vải công nghiệp nên giá chỉ khoảng khoảng 300.000 - 400.000 đồng/bộ; trang phục lễ hội được làm hoàn toàn thủ công nên giá thành cao gấp từ 7-8 lần.
Một ngôi chợ khác cũng tấp nập không kém là chợ xã Đắk R’Măng (huyện Đắk G’Long). Chợ là nơi tụ họp buôn bán cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mông thôn 5,6,7 và các xã lân cận, nên ngày họp chợ, đồng bào Mông từ già tới trẻ diện trên mình trang phục thổ cẩm truyền thống tụ tập về đây vui chơi.
Người Mông xã Đắk R’Măng có thói quen dành cả ngày để đi chợ, nên thường họ đi từ sáng sớm đến khi mặt trời khuất núi mới trở về nhà. Vào ngày cuối năm và dịp đầu xuân năm mới, người dân mua sắm nhiều, hàng hóa phong phú nhưng nhiều nhất là quần áo thổ cẩm.
Là người xã khác, những ngày giáp Tết chị Lý Thị Lềnh (xã Đắk P’Lao, huyện Đắk G’Long) phải vượt gần 20 cây số mang mấy bó đậu đũa ra chợ bán. Chị Lềnh vui vẻ mời chào: “Nhà không ăn hết mang ra chợ đổi lấy thịt về ăn. Đậu này chỉ có đồng bào mình trồng được nên có nhiều người mua lắm, mua cho mình một bó về ăn thủ đi !”
Cũng vượt gần 100 cây số từ lúc mặt trời còn chưa ló rạng, Sùng A Chung (xã K’Nia, huyện Cư Jút) tranh thủ phiên chợ cuối năm để tìm bạn tâm tình. Năm ngoái chàng thanh niên dân tộc Mông đến chơi một lần, không biết “hẹn thề đính ước” thế nào mà năm nay cậu lại tìm đến đây mong gặp lại cô gái năm xưa. Chàng trai tuổi 15 tâm sự: “Nhiều năm nay đồng bào mình không còn tục bắt vợ nữa, trai gái yêu nhau thì đến xin cha mẹ làm đám cưới. Hôm trước nói chuyện qua điện thoại không hết nên hẹn “nó” tới chợ để tính chuyện cưới xin”.
Ông Phạm Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Đắk R’Măng cho biết, hiện nay xã có khoảng 1000 hộ đồng bào người Mông sinh sống, phần lớn xuất thân từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Nhiều năm nay địa phương được đầu tư xây dựng một ngôi chợ để bà con mua bán, trao đổi cũng như sinh hoạt văn hóa nên cùng với chợ Đắk Nang (xã Đắk Som), thì chợ Đắk R’Măng là một trong hai ngôi chợ truyền thống của người Mông tới thời điểm này tại Đắk Nông.
Nguồn: Báo Dân Trí