Về phát triển du lịch cộng đồng, Đắk Nông đã xây dựng phát triển du lịch cộng đồng của dân tộc Ê đê, Thái ở Cư Jút và Đắk R’lấp. Theo bà Dương Thị Thu Thủy, chuyên gia nghiên cứu văn hóa góp ý, Đắk Nông có thể định vị được thương hiệu du lịch của mình, tạo ra bản sắc riêng bằng cách phát triển hơn nữa du lịch cộng đồng của các dân tộc thiểu số như M’nông, Mạ, Ê đê, Mông...
Trong khuôn khổ chương trình, hơn 50 chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất du lịch nông nghiệp, đơn vị lữ hành, nhà đầu tư, chuyên gia đã tham gia chuỗi các hoạt động tham quan, trải nghiệm các địa điểm du lịch ở Đắk Nông như Vườn quốc gia Tà Đùng (huyện Đắk Glong), Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên (huyện Đắk Song), các mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp, homestay...
Chị Đỗ Thị Hải Yến - huấn luyện viên dạy Yoga phục hồi thiền thở chữa lành tại TP. Vinh (Nghệ An) chia sẻ: “Tôi thường xuyên tổ chức các chuyến đi chữa lành, tìm về với thiên nhiên cho học viên học yoga ở các tỉnh trên toàn quốc. Qua chương trình giúp tôi hiểu rõ hơn về Đắk Nông, nhất là khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Do đó, Đắk Nông sẽ là điểm đến tiếp theo cho lớp yoga của tôi”.
Anh Nguyễn Học Huy, chủ Nông trại Phượng Vân (TP. Gia Nghĩa) chia sẻ, famtrip đã giúp anh có cơ hội kết nối, học tập và hiểu hơn về kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Anh hi vọng sẽ có nhiều hơn những chương trình như famtrip để các đơn vị kinh doanh du lịch, các địa phương kết nối, quảng bá và học hỏi.
Là một trong những đơn vị tổ chức hoạt động famtrip năm 2023, chị Hoàng Thị Thu Huyền, thành viên HTX Du lịch nông nghiệp - Cao nguyên M’nông cho rằng hoạt động famtrip mang đến xu hướng mới trong quảng bá du lịch. Tuy là năm đầu tiên tổ chức nhưng qua đánh giá chương trình bước đầu để lại ấn tượng trong lòng các đại biểu. Đây là cơ hội giúp chúng tôi kết nối những người làm du lịch trong và ngoài tỉnh để phát triển ngành du lịch Đắk Nông. "Chúng tôi tiếp tục nỗ lực để hoạt động famtrip được tổ chức hằng năm tại Đắk Nông”, chị Hoàng Thị Thu Huyền cho biết.