TMO - Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Đắk Nông) có hệ động, thực vật đa dạng với nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đồng thời, đây cũng là khu vực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước cho dòng sông Krông Nô và lưu giữ nước cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung có diện tích tự nhiên hơn 23.000ha, trải rộng trên 10 xã, thuộc 3 huyện, bao gồm: xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong); các xã Đăk Hòa, Đăk Mol và Nâm N’Jang (huyện Đăk Song) và các xã Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Nam Đà, Đắk Sôr và Buôn Choah (huyện Krông Nô). Địa hình chủ yếu gồm nhiều dãy núi thấp và núi trung bình, hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú với các kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới có mức độ đa dạng sinh học rất cao; là nơi phân bố của nhiều loài động vật quý hiếm.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, Khu bảo tồn có khoảng 881 loài thực vật, trong đó 75 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao đen, dầu mít, sến mủ, sồi ba cạnh... Động vật tại Khu bảo tồn có hơn 58 loài thú, trong đó 24 loài có tên trong Sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn như voi, bò tót, chà vá chân đen, vượn đen, cầy mực, bò rừng... Ngoài ra, phải kể đến sự đa dạng của 173 loài chim, 66 loài cá, 37 loài bò sát…
Ban quản lý Khu BTTN Nam Nung xác định công tác bảo vệ rừng giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này.
Toàn bộ diện tích trải dài trên nhiều huyện và tiếp giáp với nơi sản xuất và gần khu vực dân sinh sống, nên Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đối mặt với các sức ép lớn, nguy cơ xâm hại cao. Trong đó, sức ép của cộng đồng sống ven rừng đối với tài nguyên rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên xảy ra dưới nhiều góc độ như vì mưu sinh, vì cải thiện cuộc sống và thu nhập, vì tập quán sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Hoạt động săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, khai thác lâm sản ngoài gỗ quá mức (mây, đót, quả cây, dầu cây...) vẫn chưa được xử lý triệt để.
Xác định được tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đã thực hiện đầy đủ các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng để tăng thu nhập, sinh kế cho người dân tránh tác động tới Khu bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy chữa cháy rừng. Cụ thể, trong năm 2023, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại 5 xã gồm: Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Đăk Sôr, Nam Đà thuộc huyện Krông Nô, với hơn 400 người tham gia
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền, trong đó công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được đơn vị đặc biệt quan tâm. Cụ thể, tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phổ biến Luật Lâm nghiệp, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học; phát các tờ rơi có in nội dung tuyên truyền; xây dựng các bảng tuyên truyền, đóng các bảng nội quy, quy định tại các tuyến đường, khu vực giáp ranh với lâm phần đơn vị quản lý hoặc tại những khu vực có nhiều người dân thường đi qua; xây dựng các video tuyên truyền bằng tiếng đồng bào bản địa khu vực giáp ranh….
Khai thác những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học... Khu BTTN Nam Nung hướng tới mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn tài nguyên.
Cùng với giá trị về đa dạng sinh học, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung còn là nơi tập trung khá nhiều đồng bào M'Nông với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Đó là những món ăn truyền thống độc đáo có nguyên liệu từ rừng, các vật dụng phục vụ cuộc sống cư dân địa phương. Đặc biệt là không gian văn hoá, các lễ hội truyền thống độc đáo. Vì vậy, để bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng du lịch hợp lý, thiết lập các tuyến du lịch, tạo điểm đến hấp dẫn.
UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại đây. Và sau đó, đơn vị đã ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với 2 nhà đầu tư với trên tổng diện tích hơn 743ha. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần phát huy hết giá trị của rừng mang lại, đó là phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quảng bá tài nguyên; nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương đối với các tài sản vô giá về du lịch cảnh quan - văn hóa - lịch sử và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương, từng bước xóa đói giảm nghèo và hướng tới phát triển bền vững; tạo ra nguồn thu bổ sung cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho đơn vị. Đồng thời, phát triển, nâng cao giá trị Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, góp phần quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng.